Nước mía là thức uống được nhiều người yêu thích trong mùa hè, vậy nhưng không phải ai cũng có thể uống loại nước này.
Công dụng và liều dùng của mía
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi nêu, nước mía tác dụng tiêu đờm, hết khát, bổ dưỡng. Mía còn là nguyên liệu chế đường, mật dùng làm thực phẩm và chế thuốc, chế rượu.
Đơn thuốc có nước mía
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời DS. Đỗ Bảo cho biết, một số bài thuốc chữa bệnh từ mía như sau:
Chữa nôn: Nước mía 7 chén, nước gừng 1 chén. Hòa vào nhau và nhấp dần ít một, chữa ăn vào nôn ra, hoặc sáng ăn chiều nôn, tối ăn sáng nôn.
An thai: Mầm mía 12g, củ gai 8g, ích mẫu 6g, củ ấu 4g, sa nhân 2g. Tất cả đem thái nhỏ, phơi khô, sắc nước uống, chia làm 2 lần trong ngày.
Chữa bệnh khí hư ở phụ nữ: Lá mía 30g, lá huyết dụ 30g, rễ mò trắng 80g, hoa mò đỏ 20g, thái nhỏ, sao vàng, sắc uống.
Chảy máu cam trong kỳ kinh nguyệt: Nước mía 250ml, nước ngó sen 250ml, nước sinh địa tươi 50ml. Trộn đều, chia uống trong ngày.
Nóng trong, chữa ho do nhiệt: Nước mía 200ml, gạo tẻ 100g, thêm nước vừa đủ nấu thành cháo, ăn trong ngày, ăn liền trong 7-10 ngày.
Điều trị chứng vị nhiệt, miệng đắng, kém ăn, đại tiện táo: Nước mía 50ml, mật ong 30g, trộn đều, chia uống 2 lần trong ngày, uống lúc đói bụng.
Chữa khô miệng, nôn khan liên tục: Nước mía 100ml, hâm nóng lên uống, ngày 3 lần.
Tiểu tiện bất lợi, tiểu buốt, tiểu ra máu: Mía tươi 500g, ép lấy nước cốt; ngó sen 500g, thái nhỏ, ngâm trong nước mía nhiều giờ, chắt lấy nước; chia 3 lần uống trong ngày.
Cảm nắng, sốt, miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ: Nước mía, nước dưa hấu, mỗi thứ khoảng 120ml, trộn đều uống. Dùng trong trường hợp
Chữa ho khi lên sởi: Mía vỏ đỏ (bỏ vỏ và đốt) 40-60g, củ mã thầy (gọt bỏ vỏ) 40-60g, sắc lấy nước, chia uống trong ngày.
Những người không nên uống nước mía
Nước mía tuy mang lại nhiều lợi ích với sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể uống được.
Báo Vietnamnet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ – Giảng viên Khoa Y học cổ truyền – trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, những người dưới đây không nên uống nước mía hoặc không uống quá nhiều để đảm bảo sức khỏe.
– Người có hệ tiêu hóa kém: Do tính hàn lương và hàm lượng đường cao nên những người tỳ vị hư hàn có đường tiêu hóa kém, hay bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, lạnh bụng thì không nên uống nước mía thường xuyên. Trường hợp cần thiết thì phối hợp với gừng để giảm tính lạnh của mía.
– Người đang sử dụng thuốc: không uống nước mía khi đang dùng những loại thuốc bổ hay thuốc chống đông máu để tránh gây tương tác thuốc.
– Người mắc bệnh tiểu đường.
– Người đang ăn kiêng, muốn giảm cân cần uống nước mía có chừng mực vì nước mía nhiều năng lượng. Nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì vì cơ thể thừa năng lượng.
– Phụ nữ mang thai cũng không nên uống quá nhiều nước mía, dễ gây nhiễm trùng hoặc tiểu đường thai kỳ, nên ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.
Nguồn: Vov.vn