Bệnh sởi tại TP.HCM chưa có dấu hiệu giảm. Hầu hết bệnh nhi chưa được tiêm vaccine, trong đó có nhiều ca biến chứng nặng phải thở máy. Đây là điều đáng báo động trong thời điểm cận kề mùa tựu trường sắp tới.
Số ca nhập viện tiếp tục tăng
Mỗi ngày, Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp nhận 5-7 ca bệnh sởi. Tính đến ngày 30/7, tại Khoa có tổng cộng 25 ca mắc sởi đang điều trị nội trú, trong đó có những ca nặng cần can thiệp oxy và tiêm kháng sinh dài ngày, có cả trẻ nhũ nhi.
Đáng nói, trong số này, chỉ có một trường hợp đã được tiêm vaccine và thậm chí chỉ tiêm 1 mũi duy nhất mà không tiêm nhắc lại. Còn lại các ca khác đều không tiêm ngừa vaccine sởi. Lý do các bậc phụ huynh đưa ra là do con thường xuyên bị sốt nên không đưa con đi tiêm vaccine ngừa sởi hoặc các vaccine khác. Sau đó thì bị…lãng quên.
Chị Ca Thị Nhiều, mẹ bệnh nhi Lê Anh Quân (9 tháng tuổi, ngụ An Giang) cho biết, trước đó, bé đã được điều trị tại bệnh viện địa phương 5 ngày nhưng do biến chứng nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1: “Bé chưa chích ngừa, nên khi bị sởi thì nặng hơn. Hôm sinh xong mới chích chỉ có một mũi lao. Vì bé sinh non, ở trong lồng ấp xong về nhà luôn nên chưa có chích ngừa. Rồi cứ hễ tí là ốm đi bệnh viện suốt, chích ngừa về là sốt nên chưa đi chích”.
Còn anh Nguyễn Văn Tho, bố của bệnh nhi Nguyễn Hoàng Minh Khôi (3 tuổi, ngụ Đồng Tháp), đưa con lên nhập viện cho biết: “Sốt hai ngày vô khám thì bác sĩ kêu nhập viện cho nên tôi cho bé lên Sài Gòn luôn. Bác sĩ bảo là có bị tay chân miệng và nghi ngờ sởi. Bé chưa tiêm ngừa vaccine vì sốt nhiều quá, cứ khi nào đi tiêm thì cứ bị sốt nên lần nữa mãi chờ bé hết sốt rồi mới tiêm”.
BS.CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh cho biết, trẻ mắc sởi đang nằm điều trị trong khoa phần lớn là ở độ tuổi 5-11 và chưa được tiêm vaccine. Điều này cho thấy, nhiều bậc phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc tiêm ngừa vaccine cho trẻ.
Cũng theo Bác sĩ Dư Tuấn Quy, trẻ mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, tiểu đường, bệnh huyết học… cần được tiêm phòng đầy đủ vì đây là nhóm nguy hiểm nếu bị sởi. Những trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể mắc bệnh do lây từ người lớn hoặc không nhận được kháng thể từ mẹ. Các bà mẹ mang thai nên tiêm vaccine ngừa sởi.
Tiêm vaccine ngừa biến chứng hiệu quả nhất
Trong số các ca mắc, có đến 2/3 trường hợp được chuyển lên từ các tỉnh. Đặc biệt, nhiều trẻ ở các vùng ven, tỉnh lẻ, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp do thiếu thông tin và sự hiểu biết về tầm quan trọng của vaccine.
Tuy nhiên, Bác sĩ Dư Tuấn Quy lo ngại về tình trạng các phụ huynh cứ đưa con lên tuyến trên, vì việc di chuyển bằng phương tiện công cộng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm: “Bệnh sởi không phải là bệnh quá là nặng nề cần phải chuyển lên tuyến trên. Hầu như mình chủ yếu là mình chăm sóc và điều trị tại chỗ đều được hết. Thậm chí đa số cũng điều trị tại nhà. Tại bệnh viện vẫn có phòng hành khám sởi mỗi ngày và cho điều trị ngoại trú. Khi nào có những ca có dấu hiệu chuyển độ cần đi nhập viện thì mới cho nhập viện. Hiện nay ở địa phương cũng đang tăng cường điều trị tại chỗ, chăm sóc ở tuyến y tế cơ sở”.
Cũng theo bác sĩ Quy, sắp bước vào năm học mới, cần phải có sự kết hợp rà soát lại việc chích ngừa của trẻ. Nếu những trẻ nào mà chưa chích ngừa thì không nên cho vào lớp học. Như vậy sẽ tạo ra chiến dịch tiêm ngừa rất tốt, để người dân ghi nhớ và mang con đi tiêm phòng đầy đủ. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tổng số ca sởi trên địa bàn tính đến tuần qua là 94 ca, phân bố tại 12/22 quận, huyện.
BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, trước đó, TP.HCM bị gián đoạn cung ứng vaccine từ sau dịch Covid-19, năm 2022-2023. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, vaccine đã đầy đủ ở các phường xã. Ngành y tế đã kêu gọi, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm, rà soát danh sách, phát hiện trẻ chưa tiêm đủ mũi sẽ mời trẻ ra trạm để tiêm bù.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trẻ di biến động dân cư mà mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, địa phương chưa rà soát được.
BS Lê Hồng Nga nói: “Trẻ em dù ở đâu nhưng sống trên đất nước Việt Nam thì đều được hưởng quyền lợi tiêm chủng mở rộng. Do vậy, nếu gia đình có thay đổi nơi cư trú vì những lý do gì đó thì chỉ cần người nhà đến liên hệ với trạm y tế – nơi mới đến, để đảm bảo quyền lợi cho bé”.
Đến nay, sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm não… và đã có 1 trường hợp tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Mùa tựu trường đang đến gần, số ca mắc sởi tăng cao đã đến mức báo động, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Do đó rất cần sự chú trọng quan tâm của các bậc phụ huynh, chủ động đưa con ra các trạm y tế nơi gần nhất để được tư vấn, tiêm ngừa sởi.
Nguồn: Vov.vn