Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lần đầu tiên phẫu thuật thành công ca ghép khí quản bằng đoạn khí quản của người cho chết não, kết hợp với phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp. Đây là ca ghép đặc biệt bởi theo dõi trên y văn thế giới trong 10 năm qua cũng chỉ có Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan ghép một số ca nhưng tỉ lệ thành công rất thấp.
Dù giọng nói của bệnh nhân còn thều thào, nhưng thần sắc của người bệnh đã tươi tắn trở lại sau 3 tháng được ghép khí quản và phẫu thuật tạo hình thực quản hẹp. TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, lần tái khám sắp tới, bệnh nhân sẽ khôi phục được giọng nói của mình.
Bệnh nhân là nam giới, 25 tuổi, quê ở Thanh Hóa, gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng vào tháng 7/2022, gây chấn thương sọ não, hàm mặt, ngực, gan… Quá trình hồi sức sọ não phải thở hỗ trợ, do vậy bác sĩ mở khí quản người bệnh. Một tháng sau khi mở khí quản, người bệnh được hội chẩn điều trị bảo tồn nong và đặt stent khí quản nhưng thất bại. Điều này dẫn đến hiện tượng khó thở, phải mở lại khí quản vĩnh viễn. Một năm sau tai nạn, bệnh nhân phải ăn qua sonde, phải hỗ trợ thở qua đường mở khí quản vĩnh viễn, thường xuyên loét chảy máu và nhiễm trùng tại vị trí mở khí quản, người chỉ còn 38 kg.
Lúc này, bệnh nhân ăn thứ gì đều bị chui vào phổi. Bệnh nhân phải mở thông dạ dày để bơm thức ăn. Tình trạng này khiến tinh thần người bệnh, gia đình suy sụp. Về lâu dài, việc thở này tăng nguy cơ xơ, hỏng phổi, viêm phổi. Song, đối với cha của bệnh nhân là ông Lê Văn Thư, con trai còn sống là còn hy vọng được các bác sĩ điều trị khỏi bệnh.
“Lúc nào đi đâu về tôi nhìn con mà nước mắt, nói thật đến lúc chờ cháu hoàn chỉnh về nhà vẫn không hết vui mừng. Tôi luôn tin tưởng vào rằng các bác sĩ sẽ làm được, con tôi sẽ lành bệnh”, ông Lê Văn Thư nói.
Trước những thương tổn phức tạp của người bệnh, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hội chẩn liên chuyên khoa (tai mũi họng, tiêu hóa, phẫu thuật lồng ngực, phục hồi chức năng, gây mê hồi sức, ngân hàng mô, dinh dưỡng….), thống nhất tiến hành phẫu thuật hai thì. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các thầy thuốc, ngày 11/4 người bệnh được tiến hành phẫu thuật tạo hình cắt – nối thực quản cổ, cắt đoạn sẹo xơ khí quản và chuẩn bị hai đầu khí quản sẵn sàng cho lần phẫu thuật thì hai.
Sang tháng 5, người bệnh được phẫu thuật thì hai ghép khí quản cổ bằng khí quản của người cho chết não (khí quản hiến tặng lúc đó được bảo quản tại ngân hàng mô), kết hợp với đặt stent khí quản, chuyển vị cơ ức đòn chũm hai bên che phủ đoạn khí quản ghép.
Sau một thời gian điều trị tích cực, người bệnh được ra viện và trở về nhà vào cuối tháng 6. Bệnh nhân đã được khám lại sau một tháng với thể trạng tốt, tăng được 5kg, sẹo mổ liền tốt, bệnh nhân ăn uống được bằng đường miệng và tự thở qua đường mũi trở lại.
Ông Lê Văn Thư vui mừng cho biết: “Đầu tiên con kêu lên rằng “bố ơi con nói được rồi”. Tôi phấn khởi và mừng lắm vì con nói được, thở được. Có nhiều người hỏi thăm thấy phẫu thuật thành công ai cũng mừng”.
3 tháng sau ca phẫu thuật, bệnh nhân đã tăng được 10kg với thể trạng toàn thân khỏe mạnh, tự thở qua mũi, tự ăn qua đường miệng. Dự định sẽ được rút stent khí quản trong thời gian tới. Bệnh nhân đã có thể làm được việc nhà, mơ ước sẽ tiếp tục đi Nhật xuất khẩu lao động. Ca phẫu thuật thành công đã cứu cả một gia đình.
TS.BS Dương Đức Hùng cho biết, hiện nay, phẫu thuật ghép khí quản nói chung và phẫu thuật ghép đường thở nói riêng vẫn còn là một thách thức trong ngành ngoại khoa và trong giới y học trên thế giới. Hơn nữa, ca lâm sàng của Bệnh viện Việt Đức có tính chất phức tạp rất nhiều do có hai tổn thương cùng một lúc (cả khí quản và thực quản) ở một bệnh nhân trẻ tuổi với tương lai còn dang dở phía trước.
Kết quả của bệnh nhân này sẽ mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho những bệnh nhân có tổn thương đoạn khí quản dài trên 6cm, do chấn thương, hẹp bẩm sinh hoặc u… có thể phục hồi trở lại đường thở tốt nhất.
“Tôi có thể tự hào rằng, chất lượng cũng như trình độ của các bác sĩ ở Việt Nam hoàn toàn sánh ngang hàng với các nước trong khu vực. Với ca phẫu thuật này, đến thời điểm hiện tại trên y văn thế giới chưa có đến 10 ca, 6 ca thành công. Việc Việt Nam đã cắm được ngọn cờ trong bản đồ ghép tạng, đặc biệt ghép khí quả là niềm tự hào, hãnh diện không chỉ của Bệnh viện Việt Đức mà của ngành y tế Việt Nam”, TS.BS Dương Đức Hùng nói.
Từ đầu năm đến nay, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có 16 trường hợp chết não hiến tạng. Một người chết não hiến tạng tim, gan, thận, phổi cứu ít nhất được 4 người, các bộ phận khác như van tim, mạch máu, khí quản… được bảo quản tại ngân hàng mô, sẽ mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân hiểm nghèo khác.
Nguồn: Vov.vn