Hiện nay nhiều bệnh viện đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Các bệnh viện đều cố gắng áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh như đặt lịch khám online, thanh toán không tiền mặt, liên thông đơn thuốc… đã góp phần giảm thời gian chờ đợi và tăng chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh nhân không phải xếp hàng dài chờ mua thuốc
Suốt 9 năm qua, bà Đinh Thị Trình (Thượng Thanh, Long Biên) thường xuyên đặt lịch khám định kỳ tim mạch, ung bướu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Nếu như trước đây, lúc khám xong, sau khi nhận đơn thuốc từ bác sĩ, bà Trình lại mang đơn thuốc xuống quầy, xếp hàng và chờ đến lượt. Thế nhưng, thời gian gần đây, việc tái khám của bà diễn ra nhanh chóng, khâu nhận thuốc đã giản tiện hơn rất nhiều.
“Giờ đây thuốc chờ người bệnh, chứ không phải người bệnh phải xếp hàng chờ thuốc nữa. Tôi khám tim mạch ở tầng 2, bác sĩ kết luận xong, tôi xuống khu vực tầng 1 là đã có sẵn thuốc để nhận, do các nhân viên đã xếp thuốc từ trước đó. Tôi chỉ cần đối chiếu, kiểm tra và nhận thuốc”, bà Trịnh nói.
Tại khu vực cửa nhận thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), ông Nguyễn Đức Thảo (phường Phúc Đồng, Long Biên) cũng cảm thấy thoải mái bởi khi áp dụng công nghệ, ông không phải xếp hàng quá lâu khi nhận thuốc.
“Tôi thấy các quy trình rất nhanh gọn; từ việc chọn giờ khám, đến thanh toán, nhận thuốc dễ dàng. Đặc biệt, việc nhận thuốc nhanh chóng, không phải xếp hàng dài, chúng tôi không phải chờ lấy đơn, chờ nhân viên y tế xếp thuốc, mà được nhận thuốc ngay khi đến quầy. Ứng dụng công nghệ giúp ích rất nhiều cho người bệnh, nhất là những người già yếu, đi lấy thuốc định kỳ”, ông Thảo cho biết.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, nhất là việc liên thông đơn thuốc, nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã trở thành “điểm sáng” của Hà Nội. Đây là ứng dụng đã mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người bệnh và bệnh viện.
Theo TS.BS Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hiện nay, nhờ ứng dụng số hóa, ngay từ khi bệnh nhân còn ngồi ở phòng khám, khi quy trình tại bàn khám kết thúc, đơn thuốc được bác sĩ kê xong thì dữ liệu đơn thuốc đã được chuyển lên phần mềm tới bộ phận cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Nhân viên dưới khu vực cấp phát thuốc đã sẵn sàng chuẩn bị thuốc cho người bệnh. Vì thế khi người bệnh xuống đến quầy thuốc là mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ cần đối chiếu mã số đơn thuốc để khớp nhận thuốc và có thể ra về.
“Quy trình nhận thuốc tại Bệnh viện Đức Giang hiện nay đã được rút ngắn xuống chỉ còn vài phút. So với trước kia, việc nhận thuốc sẽ theo nhiều bước, khi bệnh nhân mang đơn thuốc xuống quầy còn phải xếp hàng chờ gọi vào, khi nhân viên y tế nhận đơn thuốc mới đi chuẩn bị thuốc, gây mất nhiều thời gian của người bệnh và dễ quá tải, bệnh nhân phải chen chúc chờ đợi. Nhờ công nghệ, chúng tôi đã giải quyết được vấn đề này, được bệnh nhân ủng hộ. Chính bệnh nhân là người được hưởng lợi nhiều”, TS.BS Trần Thị Oanh cho biết.
Áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh
Nếu trước kia quy trình khám chữa bệnh mất trung bình khoảng 4 tiếng, nhiều bệnh nhân phải đi xếp hàng lấy số từ sáng sớm; thì khi ứng dụng số hóa, quy trình khám chữa bệnh hiện nay tại Bệnh viện Đức Giang chỉ mất trung bình khoảng 1 tiếng 30 phút đến 1 tiếng 45 phút, giảm được rất nhiều thời gian cho người bệnh. Đa phần bệnh nhân đi khám tại bệnh viện có thể kết thúc quy trình khám và nhận thuốc trong một buổi khám mà không phải chờ đợi trong ngày.
Là “điểm sáng” của Hà Nội về áp dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh, đến nay, Bệnh viện Đức Giang đã triển khai số hóa được nhiều khâu, từ quy trình tiếp đón, phân luồng sử dụng CCCD gắn chip, face ID, đặt lịch khám theo mô hình khoang máy bay… đến liên thông dữ liệu giữa các khoa phòng, các khâu… giúp bệnh nhân chủ động được thời gian, tránh việc quá tải dồn vào một vài thời điểm.
Theo TS.BS Trần Thị Oanh việc áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh đã đem lại được rất nhiều lợi ích như tiết kiệm được thời gian, rút ngắn quy trình, tiết kiệm nhân lực và mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
“Để nâng cao chất lượng số hóa quy trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện, phải xuất phát từ hai phía là nhân viên y tế của bệnh viện và người bệnh. Về phía bệnh viện, bên cạnh việc luôn phải chủ động, liên tục cập nhật, cải tiến để hoàn thiện; chính mỗi nhân viên y tế cũng phải chủ động; phối hợp với bộ phận công nghệ để hoàn thiện hơn quy trình khám, chữa bệnh. Đồng thời, nhân viên y tế cũng phải giải thích, hướng dẫn cho người bệnh thực hiện các quy trình ngay từ bàn khám. Về phía người bệnh cũng cần hiểu được ý nghĩa của các quy trình mà bệnh viện đang thực hiện số hóa; tuân thủ tốt các quy trình của bệnh viện như tuân thủ giờ hẹn, thủ tục…”, TS.BS Trần Thị Oanh chia sẻ.
Thông qua việc ứng dụng chuyển đổi số trong việc đặt lịch khám qua tổng đài, nên người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai trở nên thuận tiện hơn.
Triển khai chuyển đổi số toàn diện
Quyết tâm triển khai chuyển đổi số toàn diện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thành công phần mềm khám chữa bệnh mã nguồn mở HIS Pro, là một trong số ít bệnh viện thuộc top đầu cả nước về liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế. Đồng thời, bệnh viện cũng triển khai và áp dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và đang trong lộ trình từng bước hoàn thiện bệnh án điện tử.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Giáp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Đến thời điểm này, bệnh viện đã triển khai thành công việc thanh toán qua các giải pháp không dùng tiền mặt. Đặc biệt là hệ thống thanh toán qua QR code. Như vậy người bệnh đến khám sẽ không phải xếp hàng để nộp tiền”.
Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, hiện bệnh viện cũng triển khai việc đăng ký khám theo lịch hẹn qua App, cũng như qua tổng đài. Điều này sẽ giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, không phải chờ đợi khi đến khám.
“Bệnh viện cũng mong muốn người dân thay đổi thói quen khám chữa bệnh, nên đăng ký trước để khi đến bệnh viện sẽ được khám luôn chứ không phải chờ đợi lâu. Đặc biệt, khi đặt lịch hẹn khám trước, điều này rất thuận tiện cho cả người bệnh và cả bác sĩ. Về phía bệnh viện sẽ chủ động được nguồn lực, bố trí được bàn khám, y bác sĩ phục vụ cho bệnh nhân được tốt nhất”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Giáp cho biết.
Hiện tại, bệnh viện cũng đang tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt để trong lộ trình tiến lên bệnh án điện tử.
“Chúng tôi hy vọng trong năm 2024 bệnh viện sẽ hoàn thành được các yêu cầu về chuyển đổi số, bệnh án điện tử để trình lên các cấp của Bộ Y tế để thẩm định và triển khai được bệnh án điện tử”- Phó Giáo sư Vũ Văn Giáp cho biết thêm.
Nguồn: Vov.vn