Sự tiến bộ trong việc dự phòng HPV mở ra cho cộng đồng niềm hy vọng những căn bệnh liên quan đến virus này có thể giảm thiểu hay thậm chí bị loại bỏ. Từ đây, xã hội có quyền hy vọng về một tương lai khỏe mạnh hơn cùng chất lượng sống được nâng cao…
Khi nhắc đến HPV, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những từ khóa quen thuộc như mụn cóc sinh dục, virus gây u nhú. Bên cạnh đó, HPV cũng thường gắn liền với căn bệnh ở nữ giới – ung thư cổ tử cung. Không dừng lại ở đó, virus này còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho cả hai giới.
Chúng ta đã thực sự hiểu biết về HPV?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới – WHO, gần 100% số ca nhiễm ung thư cổ tử cung ở nữ giới đều do HPV gây ra (1). Những đau đớn về thể xác và tinh thần mà ung thư cổ tử cung gây ra cho phụ nữ, gia đình và cả xã hội là vô cùng to lớn. Nhưng trên thực tế, việc dự phòng HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung vẫn bị xem nhẹ. Đặc biệt, ở những quốc gia đang phát triển, sự hiểu biết của phái nữ về căn bệnh này vẫn còn rất hạn chế (2).
Số liệu của Tổng cục Thống kê kết hợp với UNICEF 2020 – 2021 cho thấy tại Việt Nam, chỉ 7,5% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15 – 29 đã được dự phòng HPV, 28,2% phụ nữ từ 30 – 49 tuổi đã được khám sàng lọc ung thư (3). Trong năm 2020, cứ mỗi ngày trôi qua, nước ta có 7 phụ nữ qua đời vì ung thư cổ tử cung, thêm 14 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh (4).
Những hạn chế, nhầm lẫn về HPV và các bệnh do virus này gây ra ở nam giới còn phổ biến hơn (5). Không ít nam giới tin rằng HPV chỉ gây hại cho phụ nữ, cụ thể là bệnh ung thư cổ tử cung (6). Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng cho dù có nhiễm thì HPV cũng không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe nam giới (7).
Trên thực tế, hệ thống miễn dịch cả hai giới có thể loại bỏ HPV trong một hoặc hai năm mà không cần chữa trị (8). Song, một số týp HPV như 6, 11 có thể gây ra bệnh sùi mào gà ở nam giới thông qua đường tình dục. Týp 16, 18 có nguy cơ cao gây ra ung thư dương vật, ung thư hậu môn… Đây đều là những căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và chức năng sinh sản của phái mạnh (9). Nghiên cứu của tạp chí y khoa The Lancet Global Health cho thấy cứ 5 nam giới trên 15 tuổi thì có 1 người nhiễm HPV là týp có nguy cơ gây ung thư (10).
Chủ động hơn trong việc dự phòng HPV
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang triển khai nhiều hoạt động, chiến dịch nhằm hướng đến việc giảm thiểu, loại trừ các bệnh liên quan đến HPV ở cả hai giới. Tại Việt Nam, chính phủ đã thống nhất đưa dự phòng HPV vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng từ năm 2026, cho phép các địa phương có thể triển khai sớm hơn cho người dân nếu bố trí được kinh phí (11).
Bên cạnh đó, sự phát triển của phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã nâng cao đáng kể nhận thức của cộng đồng về HPV (12). Công chúng được cập nhật thông tin mới nhất về bước tiến trong việc dự phòng virus gây u nhú này. Biện pháp mới về dự phòng HPV này mở ra cơ hội cho nam nữ từ 27 – 45 tuổi, dù đã sinh hoạt tình dục. Từ đó, cả hai giới trong độ tuổi từ 9 – 45 có thể ngăn ngừa ung thư: cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản, mụn cóc sinh dục.
Bước tiến mới về biện pháp dự phòng mới cũng mở ra tương lai tươi sáng hơn khi xã hội có thể giảm thiểu, thậm chí xoá sổ các căn bệnh liên quan đến HPV. Để thường xuyên cập nhật những kiến thức mới nhất về HPV, người dân có thể truy cập vào cổng thông tin tại địa chỉ: hpv.vn.
Chủ động tìm hiểu kiến thức và dự phòng HPV là trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, và cả xã hội. Một tương lai bình an, hạnh phúc sẽ được mở ra từ chính lựa chọn của mỗi người ở hiện tại.
* Nguồn tài liệu tham khảo:
(1) World Health Organization (WHO). Cervical cancer. Updated Mar 2024
[https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cervical-cancer] [05-7 -2024]
(2) BMC Public Health. Knowledge and attitude towards cervical cancer among reproductive age group women in Gondar town, North West Ethiopia. Updated 2020.
[https://bmcpublichealth.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12889-020-8229-4]
[05-7- 2024].
(3) HPV Information Centre. Viet Nam: Human Papillomavirus and Related Diseases, Summary Report 2023.
[https://hpvcentre.net/statistics/reports/VNM.pdf] [06-7-2024]
(4) Tổng cục Thống kê & UNICEF. Kết quả tóm tắt điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021.
[https://vietnam.unfpa.org/vi/news/da-den-luc-phai-dau-tu-nhan-rong-toan-quoc-tiem-chung-hpv-sang-loc-va-dieu-tri-ung-thu-co-tu] [06- 7- 2024]
(5) NIH – National Library of Medicine. Barriers towards HPV Vaccinations for Boys and Young Men: A Narrative Review. Updated Aug 2021.
[https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8402923] [08-7-2024].
(6) (7) BMC Public Health. To vaccinate or not to vaccinate? Perspectives on HPV vaccination among girls, boys, and parents in the Netherlands: a Q-methodological study. Updates 07 November 2017.
[https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5678575/] [08-7- 2024]
(8) (9) World Health Organization (WHO). Human papillomavirus and cancer. Updated 5 March 2024.
[https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/human-papilloma-virus-and-cancer]
[08- 7-2024]
(10) The Lancet Global Health. Global and regional estimates of genital human papillomavirus prevalence among men: a systematic review and meta-analysis. Updated September, 2023
[https://www.thelancet.com/journals/langlo/article/PIIS2214-109X(23)00305-4/fulltext] [10-7-2024]
(11) Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Nghị quyết về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030.
[https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/08/104-cp.signed.pdf] [07-7-2024]
(12) NIH – National Library of Medicine. HPV and COVID-19 vaccines: Social media use, confidence, and intentions among parents living in different community types in the United States. Updated 2023.
[https://link.springer.com/article/10.1007/s10865-022-00316-3] [07-7- 2024]
Nội dung này do Hội Y Học Dự Phòng Việt Nam cung cấp và được MSD tài trợ vì mục đích giáo dục.
VN-GSL-01039 17072025
Nguồn: Vov.vn