Bơi lội là môn thể thao yêu thích của nhiều người, vừa có lợi cho sức khỏe vừa là để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, khi tham gia hoạt động dưới nước, một số người có thể mắc các bệnh lý như viêm ống tai ngoài, viêm tai giữa…
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Huy – Trưởng khoa Tai – Bệnh viện Tai Mũi Họng TW trong số các bệnh lý về tai khi bơi lội, bệnh viêm ống tai ngoài rất thường gặp, nhất là khi chúng ta bơi những nơi không đảm bảo vệ sinh. Nước bẩn, khi vào trong tai, sẽ mang theo vi khuẩn và nấm. Nếu bệnh nhân có nhiều ráy tai, nước sẽ làm ráy tai nở ra, gây bít tắc ống tai đồng thời làm vi khuẩn ứ đọng trong đó và gây nên tình trạng viêm ống tai.
“Để phòng ngừa bệnh viêm tai khi đi bơi, thứ nhất là trước mùa bơi, chúng ta nên đi khám tai để nếu thấy ráy tai nhiều, đọng lại thành nút thì nên lấy đi cho đỡ giữ nước bẩn của bể bơi trong tai. Thứ hai, chúng ta không nên có thói quen là ngoáy tai hằng ngày vì chúng ta biết là ráy tai nó được sinh ra và bảo vệ màng nhĩ, nó đã tạo nên môi trường trong cái ống tai để làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Khi chúng ta ngoáy tai hằng ngày sẽ làm mất chức năng đó. Thêm nữa tai còn bị kích thích liên tục bị tổn thương lặp đi lặp lại khiến tai dễ viêm hơn.” – BS Nguyễn Hoàng Huy hướng dẫn.
Việc vệ sinh tai không đúng cách sau mỗi lần đi bơi cũng sẽ khiến chúng ta dễ bị viêm tai hơn. Sau khi bơi lội, nếu thấy nước còn đọng trong tai gây khó chịu, ẩm ướt, thay vì việc dùng tăm bông ngoáy tai, bạn nên nghiêng đầu cho nước chảy ra. Đồng thời dùng máy sấy tóc thổi hơi nóng từ xa giúp tai khô ráo.
Cũng theo BS Nguyễn Hoàng Huy, với những người mà tai quá nhạy cảm với nước bể bơi và hay bị viêm nhiễm tai thì nên pha dung dịch dấm ăn và nước với tỉ lệ 1-1, mỗi tuần nhỏ 1-2 lần vào tai sau khi bơi, tạo nên môi trường axit trong tai cũng sẽ đỡ bị nhiễm khuẩn, tránh tình trạng viêm nhiễm ống tai.
Nhiều người băn khoăn, trẻ em từng bị viêm tai giữa và phải đặt ống thông khí liệu có thể bơi lội được hay không? BS Nguyễn Hoàng Huy khuyến cáo những trường hợp này nên hạn chế tham gia các môn thể thao dưới nước. Nếu buộc phải bơi thì cần có nút tai để tránh nước lọt vào bên trong. Tuy nhiên,với những trường hợp đặt điện cực ốc tai thì lại có thể bơi lội bình thường.
Với những bệnh nhân gặp chứng ù tai kéo dài sau khi bơi lội hoặc sau khi bị ngạt nước, BS Nguyễn Hoàng Huy khuyên người bệnh nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh nhằm có biện pháp xử trí và điều trị đúng đắn, kịp thời.
Nguồn: Vov.vn