Sau ca tử vong do bạch hầu ở tỉnh Nghệ An, tại TP.HCM, nhiều người dân đổ xô đi tiêm phòng khiến Viện Pasteur TP.HCM hết vaccine. Viện Pasteur TP.HCM đang khẩn trương bổ sung nguồn vaccine bạch hầu để phục vụ người dân.
Số lượng tăng đột biến
Sáng nay (11/7), những mũi vaccine bạch hầu cuối cùng của Viện Pasteur TP.HCM đã được tiêm cho người dân. Trong 2 ngày qua, số người đến tiêm ngừa vaccine bạch hầu tại đây tăng đột biến.
Nếu bình thường, mỗi ngày, Viện Pasteur TP.HCM tiếp nhận khoảng 10 đến 15 trường hợp tiêm vaccine bạch hầu thì nay con số này khoảng 100. Riêng trong ngày 9/7, Viện đã tiêm 121 liều và ngày 10/7 tăng lên 280 liều tiêm.
Số lượng người tiêm tăng đột biến khiến Viện Pasteur TP.HCM hết vaccine. Hiện Viện đang khẩn trương tiến hành mua sắm trực tiếp theo luật đấu thầu để bổ sung nguồn vaccine bạch hầu.
Mặc dù, Viện Pasteur TP.HCM đã thông báo người dân có thể theo dõi thông tin vaccine trên website của Viện hoặc gọi đến đường dây nóng, để không phải mất công đến và chờ đợi nhưng theo ghi nhận của phóng viên, trong chiều nay, vẫn rất đông người dân đến Viện để được tiêm vaccine. Hầu hết lý do người dân đi tiêm vaccine bạch hầu là do thông tin về số ca bạch hầu gia tăng trong năm 2024, trong đó đã có trường hợp tử vong.
– “Mình ngừa bệnh còn hơn để bệnh rồi mới tiêm. Tôi cho con tiêm đầy đủ ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ, thủy đậu, nói chung mũi nào cần là tiêm”.
– “Tôi nghe thông tin là dịch bệnh bạch hầu bùng phát lại nên cũng hơi lo lắng, nên cho cả nhà đi tiêm. Nhà tôi đang có dự định đi du lịch, nhưng trước dịch bệnh như này nên tạm thời cả nhà chưa đi”.
Tiêm vaccine phòng ngừa tốt nhất
Theo Bác sĩ Đinh Văn Thới, Trưởng Phòng khám Tiêm chủng, Viện Pasteur TP.HCM, đây là bệnh truyền nhiễm, cũng đã có thuốc điều trị nhưng nếu phát hiện trễ sẽ để lại di chứng rất nặng nề. Bệnh này đã có vaccine phòng ngừa, do đó, mọi người chưa có miễn dịch chống lại bạch hầu cần được tiêm đủ mũi và đúng lịch. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu. Vì vậy, khi trẻ từ 2 tháng tuổi nên chủng ngừa.
Với trẻ nhỏ, thường được tiêm vaccine 5 trong 1 (bạch hầu – uốn ván – ho gà – viêm gan B – HiB) hoặc 6 trong 1 (bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm gan B – HiB). Với trẻ lớn và người lớn, có thể sử dụng vaccine 4 trong 1 (bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt), vaccine 3 trong 1 (bạch hầu – uốn ván – ho gà), vaccine 2 trong 1 (bạch hầu – uốn ván).
Bác sĩ lưu ý, cần tuân thủ lịch tiêm chủng theo hướng dẫn của bác sĩ để bảo đảm hiệu quả bảo vệ tối ưu và lâu dài. Đối với phụ nữ mang thai nên tiêm 1 liều vaccine bạch hầu – uốn ván – ho gà trong thời gian từ 27 đến 36 tuần thai để bảo vệ bản thân và có kháng thể truyền cho con, bảo vệ bé những tháng đầu đời.
Bác sĩ Đinh Văn Thới nói: “Mỗi lần đi tiêm nhớ gặp bác sĩ để tư vấn, đem theo sổ để kiểm tra xem đã từng tiêm bạch hầu trước đó chưa. Từ lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ có khuyến cáo phù hợp để chúng ta tiêm nhắc lại hoặc là tiêm mới bệnh bạch hầu”.
Vaccine bạch hầu không phải là vaccine hiếm. Người dân có thể theo dõi thông tin vaccine hoạt động trở lại trên website của Viện Pasteur TP.HCM hoặc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), trung tâm y tế các quận huyện, các phòng tiêm chủng trên địa bàn.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan chủ yếu qua giọt bắn từ đường hô hấp, niêm mạc miệng, niêm mạc họng, do vậy các bác sĩ lưu ý người dân luôn giữ vệ sinh tay, chân, miệng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể và cần để ý môi trường sống xung quanh để ngăn ngừa lây bệnh.
Nguồn: Vov.vn